Welkom naar mijn huis!!!


Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Công bằng chỉ là trò chơi con trẻ

Trong các cuộc vận động tranh cử của Anh, công bằng chỉ là trò chơi con trẻ.

Những cuộc tranh luận của những kênh truyền hình hàng đầu Anh quốc đã đẩy Nick Clegg và Đảng Dân chủ của ông trước một cuộc trưng cầu dân ý. Đảng này đang theo sát Đảng Bảo thủ trong cuộc tranh đua vào ghế Quốc hội nhiệm kỳ tới. Thế nhưng, hầu hết những cử tri lại biết rất ít về Đảng Tự do Dân chủ? Đảng này đại diện cho cái gì? Đảng này nếu thành công thì sẽ dẫn dắt nước Anh trở thành một quốc gia như thế nào?

Câu trả lời được in đậm trong biểu ngữ : “Chính sách thuế công bằng, một tương lai công bằng, cơ hội chia đều, làm ăn bình đẳng”. Đảng Tự do Dân chủ, cũng giống như Đảng Lao động, đang tìm kiếm “một tương lai công bằng cho tất cả mọi người”.

Đứa cháu gái 6 tuổi của tôi chắc sẽ vui mừng lắm. Bất cứ khi nào nó không được thức khuya hay không được ăn thêm một cái kem khác hay không được làm bất cứ thứ gì theo ý thích thì nói lại nói “thật chẳng công bằng chút nào!”. Nếu Đảng Tự do Dân chủ thắng cử lần này, cháu tôi sẽ không bao giờ bị thất vọng nữa.

Không, điều đó không đúng. Đứa cháu gái tôi quá nhỏ để hiểu được thế nào là công bằng. Công bằng không có nghĩa là có được mọi thứ theo ý thích. Công bằng nghĩa là…. Ừm, mà công bằng nghĩa là gì nhỉ? Khi quý ông Clegg hay Gordon Brown hứa sẽ làm nước Anh trở nên công bằng hơn, chúng ta nên trông đợi điều gì từ hai quý ông này?

Câu trả lời là không thể khẳng định được điều gì vì khái niệm “công bằng” là một khái niệm trừu tượng. Đôi khi công bằng nghĩa là đổi xử với mọi người như nhau theo quan niệm của A-rít-xtốt (vì những lý do gì thì các bạn tự đoán). Nhưng đôi khi công bằng cũng có nghĩa là đối xử với mọi người theo những cách khác nhau để đem lại một kết quả như nhau theo quan điểm của Mác-xít.

Thuế thu nhập biểu thị sự khác biệt. Một mức thuể phẳng (flat tax) nơi mà mọi người trả một mức như nhau bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu được gọi là công bằng theo quan điểm của A-rít-xtốt. Theo quan điểm của Mác-xít, chính sách thuế tiến bộ là ai có thu nhập cao hơn thì trả thuế nhiều hơn được gọi là công bằng. Mọi người sẽ được đối xử khác nhau sao cho mức thu nhập sau thuế của họ bằng nhau.

Đối với những vấn đề về thuế, các quý ông như Brown và Clegg là mác-xít. Hệ thống thuế công bằng mà họ đề xuất là tiến bộ.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng theo mác-xít. Một người đàn ông đã lập gia đình có vợ ở nhà và 5 đứa con sẽ có một cuộc sống vất vả hơn một người phụ nữ không con với cùng một công việc và thu nhập như vậy. Và người phụ nữ đó sẽ có cuộc sống tốt hơn đồng nghiệp của cô ấy. Loại bỏ những chênh lệch trong thu nhập như thế là cách cấp quản lý sử dụng để điều chỉnh cân bằng việc trả lương cho nam giới cao hơn phụ nữ: “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” như Mác đã nói.

Nhưng quý ông Clegg và Brown lại cho rằng thực tiễn đó là không công bằng. Họ cho rằng công bằng là trả như nhau cho những việc như nhau. Họ lại theo A-rít-xtốt ở nơi công sở.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thanh Hương

Dịch từ “The world street journal’, ngày thứ 4, 28 tháng 4 năm 2010, bài “Fairness is Child’s Play in Bristish Campaign”

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Kinh Dịch - di sản sáng tạo của Việt Nam.

Đọc bài viết này, tôi thấy hâm mộ tác giả đã dày công chứng minh cho một lý luận chứng minh Kinh Dịch là tác phẩm của Việt Nam. Một người chẳng biết gì về Kinh Dịch như tôi thì nghĩ gì cho to tát được. Chỉ có một vài câu hỏi uẩn khúc trong lòng, vẫn chưa được giải đáp:

1. Tại sao mình lại phải mất công tranh giành xem một kiệt tác là của ai? Người Việt Nam dùng Kinh Dịch, người Trung Quốc cũng dùng Kinh Dịch. Có phải tốt hơn là bỏ cái chữ Việt Nam hay Trung Quốc đi không? Vỏn vẹn sẽ là "người dùng Kinh Dịch". Như thế, cái tinh hoa của bộ Kinh này chẳng vì mất đi hai chữ Việt Nam hay Trung Quốc mà trở nên vô dụng.

2. Việt Nam muốn chứng tỏ cha ông mình là những người có bộ óc siêu việt, văn minh và trí tuệ? Nếu vậy, sao không từ một bài báo này mà đưa thẳng đến UNESCO hay một tổ chức nào đó được thế giới công nhận. Rõ ràng chúng ta chưa làm vậy được vì hiểu rằng, một bài báo nhỏ nhoi này chưa đủ sức chứng minh được điều gì. Và nhìn về hiện tại của Việt Nam, hàng năm Việt Nam công bố số bằng phát minh sáng chế được thế giới thừa nhận là một con số "0" tròn trĩnh. Nói thế, nếu đúng Kinh Dịch là của cha ông ta để lại, con cháu chúng ta đã có tội là (a) không phát huy được kiến thức trong kinh Dịch mà phải nhờ đến người láng giềng khó chơi Trung Quốc làm hộ; (b) hiện tại, chúng ta thua kém về trình độ lỗi lạc so với chính cha ông chúng ta. Con cháu nên lấy điều đó làm hổ thẹn.

3. Theo mình biết, người ta vẫn gọi Anh là "quê hương của bóng đá thế giới" nhưng Trung Quốc lại xì xào rằng, bóng đá ra đời từ Trung Quốc. Rồi mình cũng chẳng nghe một văn bản chính thức nào nói về việc môn thể thao vua bắt nguồn từ nước nào nhưng khi nói đến bóng đá, người ta nhắc đến Brazil - đất nước chơi bóng "chất" nhất, giàu thành tích nhất. Suy ra rằng, chẳng quan trọng Kinh dịch xuất phát từ đâu mà hãy vận dụng Kinh Dịch thật giỏi để đạt được những mục đích nào đó mang ý nghĩa nhân văn thời đại.

Tóm lại, một mặt, tôi trân trọng những nỗ lực nghiên cứu của cá nhân tác giả Nguyễn Thiếu Dũng. Tôi cũng đồng ý rằng, sự thật lịch sử phải được tôn trọng. Mặt khác, tôi vẫn chưa thấy được ý nghĩa lớn lao trong việc "tranh giành" về tác quyền của bộ Kinh Dịch. Nếu đúng ta của chúng ta, chúng ta cần chứng minh để chính đối thủ cũng phải tâm phục, khẩu phục.

NTH

-------------------------------------------------------------------------------------------------
Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về Kinh Dịch, trong số đó có một công trình đặt lại vấn đề " tác quyền" của bộ Kinh này. Đó là học giả Nguyễn Thiếu Dũng, qua nhiều tìm tòi và nghiên cứu, ông đã nêu ra một số chứng lý để minh chứng rằng Kinh Dịch là sáng tạo của người Việt Nam. Với sự thận trọng cần thiết, Thanhnien Online xin giới thiệu bài viết sau đây của học giả Nguyễn Thiếu Dũng để rộng đường tham khảo.

Từ hai nghìn năm trước khi chúng ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, tổ tiên chúng ta ở thời đại Hùng Vương đã sáng tạo Kinh Dịch và dùng học thuyết này xây dựng nền tảng cơ bản cho văn hoá Việt Nam, nhờ thế trong suốt một nghìn năm lệ thuộc Trung Hoa, chúng ta vẫn đứng vững không bị đồng hoá như các dân tộc ở Hoa Nam.

Người Trung Hoa không biết từ thời điểm nào đã tiếp thu được Kinh Dịch của Việt Nam và họ cũng đã dùng Kinh Dịch để góp phần xây dựng nền tảng văn hoá của họ. Cho nên trong sinh hoạt, chúng ta có nhiều điểm giống họ, sau một nghìn năm mất chủ quyền, ta mất luôn tác quyền Kinh Dịch và những gì ta nghĩ, ta làm thấy giống Trung Hoa ta đều tự nhận mình học của Trung Hoa. Kỳ thật không phải như vậy. Người Trung Hoa rất trọng hướng Đông, khi họ tiếp khách, chủ nhà ngồi quay mặt về hướng Đông để tỏ chủ quyền. Trong thời lập quốc họ luôn luôn hướng về biển Đông, không kể Nam Kinh những Kinh đô danh tiếng của Trung Quốc đều lần lượt nối nhau tiến dần từ Tây Bắc sang Đông. Ngày nay những thành phố lớn của họ cũng đều tập trung ở bờ Đông. Thế mà trong Kinh Dịch họ phải công nhận hướng Nam là hướng văn minh, mặc dầu trong sử sách họ vẫn cho Hoa Nam là xứ man di. Mỗi khi cần bói Dịch họ đặt Kinh Dịch trên bàn thờ cho quay mặt về hướng Nam như hướng ngồi của Hoàng đế, rồi lạy bái cầu xin. Cử chỉ này cho thấy trong tiềm thức họ không quên nguồn gốc Kinh Dịch đến từ phương Nam, từ đất nước của các vua Hùng.

Trong vòng 60 năm trở lại đây một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã trực giác thấy rằng Kinh Dịch là tài sản của Việt Nam nhưng khi nói như thế họ vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của truyền thuyết nên vẫn thừa nhận Phục Hy là nhân vật sáng tạo Kinh Dịch. Cho nên không tránh được mâu thuẫn.

Ngày nay chúng ta có đầy đủ chứng lý để nói ngay rằng Kinh Dịch là sản phẩm của Việt Nam, do chính tổ tiên người Việt sáng tạo, trên chính quê hương Việt Nam với nhiều bằng chứng vật thể còn lưu dấu trên đồ gốm Phùng Nguyên, đồ đồng Đông Sơn. Phục Hy, Văn Vương chưa từng làm ra Dịch.

1) Chứng lý vật thể: Kinh Dịch xuất hiện tại Việt Nam một nghìn năm trước khi có mặt tại Trung Quốc:

Tại di chỉ xóm Rền, thuộc nền Văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã đào được một chiếc nồi bằng đất nung (11, tr 642) trên có trang trí bốn băng hoa văn, mỗi băng nầy tương đương với một hào trong quẻ Dịch, theo phép đọc Hổ thể thì đây chính là hình khắc của quẻ Lôi Thuỷ Giải. Đây có thể xem là chứng tích xưa nhất trên toàn thế giới hiện chúng ta đang có được về Kinh Dịch. Chiếc nồi báu vật vô giá này mang trên mình nó lời cầu nguyện của tổ tiên chúng ta về cảnh mưa thuận gió hòa, mong sao được sống một đời an bình không có họa thuỷ tai. Lôi Thuỷ Giải là mong được giải nạn nước quá tràn ngập (lũ lụt), hay nước quá khô cạn (hạn hán). Niên đại của Văn hoá Phùng Nguyên được Hà Văn Tấn xác định: ”Phùng Nguyên và Xóm Rền đều là các di chỉ thuộc giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên. Hiện tại chưa có niên đại C14 cho giai đoạn này. Nhưng hiện nay chúng ta đã có một niên đại C14 của di chỉ Đồng Chỗ là di chỉ mà tôi cho là thuộc giai đoạn sớm của Văn hoá Phùng Nguyên: 3800 + 60 BP (Bln-3081) tức 1850 + 60BC (Hà Văn Tấn 1986: 181-182). Như vậy, các di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền phải muộn hơn niên đại này. Nhưng Phùng Nguyên và Xóm Rền lại sớm hơn các niên đại C14 của lớp dưới di chỉ Đồng Đậu. Hiện nay lớp này có các niên đại: 3330 + 100BP (Bln-830), 3050 + 80BP (Bln-3711); 3015 + 65BP (HCMV 05/93); 3100 + 50BP (HCMV 06/93).

Nếu tin vào các niên đại C14 này thì giai đoạn giữa của văn hoá Phùng Nguyên nằm vào khoảng giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 14 trước Công Nguyên... tương đương với văn hoá Thương ở Trung Quốc, thậm chí với giai đoạn sớm của văn hoá này (1, tr 578-579).

Về phía Trung Quốc, tuy theo truyền thuyết cho là Kinh Dịch do Phục Hy thời đại tối cổ Trung Quốc tạo ra nhưng trên thực tế không có chứng cứ nào để xác nhận chuyện này. Triết gia đầy uy tín của Trung Quốc Phùng Hữu Lan đã khẳng định trong Trung Quốc Triết học sử: ’’Suốt thời nhà Thương chưa có Bát Quái” (bản Hồng Kông 1950, tr 457). Chưa có Bát Quái nghĩa là chưa có Kinh Dịch. Quẻ Dịch xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc là trên sách Tả Truyện thời Xuân Thu-Chiến Quốc (772-221 BC). Vào thời kỳ này trên một số lớn các trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam đã có khắc hình quẻ Lôi Thuỷ Giải bằng 6 dải băng nghĩa là đầy đủ 6 hào. Vậy là rõ ràng Kinh Dịch đã có ở Việt Nam từ thời các Vua Hùng, so với chứng cứ cụ thể của Trung Quốc Kinh Dịch đã có ở nước ta trước Trung Quốc cả nghìn năm. Chuyện này chẳng khác chi chuyện tổ tiên ta đã biết trồng lúa nước nghìn năm trước Trung Hoa mà Trần Trọng Kim vẫn viết trong Việt Nam sử lược là người Trung Hoa có công dạy dân ta làm ruộng.

2) Chứng lý ngôn ngữ học: Một số tên quẻ Dịch là tên tiếng Việt không phải tiếng Trung Quốc:

Người ta thường gọi Kinh Dịch hay Kinh Diệc và cứ đinh ninh Diệc là do Dịch đọc chệch đi, kỳ thật tổ tiên ta nói Kinh Diệc và người Trung Hoa đã đọc chệch đi thành Dịch. Tiếng Trung Hoa Dịch còn có thể đọc là Diệc(Xem Khang Hy Từ Điển). Diệc là một loài chim nước, có họ với loài cò. Đây là những loài chim quen thuộc với đồng ruộng, với văn minh nông nghiệp, văn minh Văn Lang. Kinh Dịch là kết tinh của văn minh nông nghiệp, các nhà sáng tạo kinh Dịch Việt Nam lấy hình ảnh con diệc, con cò làm tiêu biểu cho hệ thống triết học của mình là hợp lý, nhưng người Trung Quốc muốn làm biến dạng cho khác đi, cho rằng chữ Dịch là hình ảnh con tích dịch - một loại thằn lằn hay biến đổi màu sắc theo thời gian chẳng thân thiết gần gũi gì với người nông dân cả. Điều này đã được ghi chú rất rõ trên trống đồng Đông Sơn về sau sẽ giải rõ.

Tên tám quẻ đơn Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài đều là tiếng Việt không phải là tiếng Trung Quốc. Các học giả Trung Hoa rất lúng túng khi giải nghĩa nguồn gốc tên những quẻ này vì họ cứ cho đó là tiếng Hoa nên tìm mãi vẫn không lý giải được. Ở đây chỉ dẫn một quẻ để minh chứng. Quẻ Ly không có nguồn gốc Trung Hoa, đây chỉ là chữ ghi âm tiếng Việt, một dạng chữ Nôm loại giả tá. Kinh Dịch bản thông hành ghi là Ly, âm Bắc Kinh đọc là Lĩ, nhưng bản Bạch Thư Chu Dịch đào được ở Mã Vương Đôi thì lại ghi là La, âm Bắc Kinh đọc là lúo (đọc như lủa). Rõ ràng đây là cách ghi của hai người Trung Hoa ở hai nơi hoặc hai thời điểm nghe người Việt Nam nói là quẻ Lửa, một người bèn ghi là lĩ (Ly), một người lại ghi là lủa (La). Còn người Việt Nam viết chữ Nôm Lửa thì lại dùng chữ lã làm âm. Cả ba âm Ly, La, Lã đều là cận âm với âm lửa, dùng để ghi âm âm lửa. Như vậy quẻ Ly không phải là quẻ có nghĩa là lìa hay là dựa như người Trung Hoa nghĩ mà chính là quẻ Lửa tức là quẻ Hoả như về sau họ đã dịch đúng nghĩa của nó.

3) Chứng lý đồ tượng: Kinh Dịch Trung Hoa thiếu một hình đồ trọng yếu, trong khi hình đồ này đang được cất giấu tại Việt Nam. Chứng tỏ Việt Nam mới là nước sáng tạo Kinh Dịch.

Đồ tượng và quái tượng (quẻ) là những hình tượng cơ bản cấu tạo nên Kinh Dịch. Cả hai đều có những giá trị bổ túc cho nhau để hình thành Kinh Dịch. Đọc Dịch mà chỉ chú trọng đến quẻ không chú ý đến Đồ là một thiếu sót đáng tiếc vì như thế là đã bỏ qua quá nửa phần tinh tuý của Dịch. Những ứng dụng quan trọng của Dịch đa phần đều căn cứ trên đồ, như thuyết trọng nam khinh nữ chi phối sâu đậm nhân sinh quan Trung Quốc thời kỳ phong kiến là ảnh hưởng Càn trọng Khôn khinh của Tiên Thiên Đồ, xem phong thuỷ, coi tử vi, học thuyết Độn Giáp, Thái Ất phát sinh ở Trung Hoa là do ảnh hưởng của Hậu Thiên Đồ. Y học, Võ thuật, Binh Thư Đồ trận lừng danh của Trung Quốc đều từ các Thiên Đồ mà ra. Theo thuyết Tam tài, cơ sở để xây nên toà lâu đài Kinh Dịch thì phải có ba Đồ chính là Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ và Trung Thiên Đồ nhưng suốt cả hai nghìn năm nay, Trung Quốc chỉ lưu hành hai Đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên. Người Trung Hoa tuyệt nhiên không tìm ra Trung Thiên Đồ, cuối cùng họ đành bó tay, rồi thản nhiên kết luận, không cần có Trung Thiên Đồ. Đã có Tiên Thiên Đồ làm thể và Hậu Thiên Đồ làm dụng là đủ lắm rồi. Đây chính là khuyết điểm lớn nhất của Dịch học Trung Quốc mà cũng là cái may lớn nhất cho ta để từ chỗ sơ hở này ta tìm ra chứng lý quan trọng nhất, quyết định nhất để xác nhận tác quyền của Việt Nam. Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ, một Đồ quan trọng bậc nhất dùng làm la bàn để viết nên kinh văn các lời hào, Việt Nam lại cất giữ Trung Thiên Đồ! Vậy thì ai là chủ nhân Kinh Dịch? Câu hỏi đã được trả lời, bí ẩn hai nghìn năm đã được trưng ra ánh sáng.

Tác giả bài này có may mắn là đã thiết lập được Trung Thiên Đồ. Đồ này quẻ Càn ở phương Nam, quẻ Đoài ở phương Đông Nam, quẻ Tốn ở phương Đông, quẻ Khảm ở phương Đông Bắc, quẻ Ly ở phương Bắc, quẻ Cấn ở Tây Bắc, quẻ Chấn ở Tây và quẻ Khôn ở phương Tây Nam.

Đây chính là Đồ thứ ba trong số ba Thiên Đồ trọng yếu của Kinh Dịch mà người Trung Hoa không tìm ra. Nếu Tiên Thiên Đồ là Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ là Địa Đồ thì Trung Thiên Đồ là Nhân Đồ nghĩa là Đồ nói về con người. Có một danh hoạ tài ba nào chỉ trong một hình vẽ có thể biểu đạt ba hình thái khác nhau về con người? Điều này chưa ai làm được, ngay cả máy móc tân tiến nhất, hiện đại nhất cũng không thể làm việc này. Thế mà Trung Thiên Đồ cùng một lúc có thể diễn tả ba trạng thái khác nhau đó: Trung Thiên Đồ có mục đích nói về những vấn đề liên quan đến con người cho nên hình đồ Trung Thiên có thể biểu thị ba khía cạnh khác nhau của con người về mặt sinh lý, về mặt siêu lý và về mặt đạo lý:

a) Con người sinh lý: Quẻ Càn tượng cho bán cầu não phải, Quẻ Khôn tượng cho bán cầu não trái. Khi một người bị tai biến mạch máu não ở bán cầu phải thì tay chân bên trái thường bị liệt, ngược lại cũng thế. Vì Càn thuộc dương nên liên quan đến tay trái gồm hai quẻ Chấn dương và Cấn dương và vì tay trái đã dương thì chân trái lại thuộc về âm nên chân có quẻ Ly âm. Trái lại, bán cầu não trái Khôn âm sẽ ảnh hưởng đến tay phải Trạch âm và Tốn âm cùng với chân Khảm dương. Điều này tương đồng với kết quả thực nghiệm của Leokadia Podhorecka (1986), trình bày năm 1986 tại hội nghị quốc tế về Trường sinh học tại Zagrev về tính bất đối xứng phải - trái trong nhân thể (2, tr 117). Hình đồ cũng thể hiện được y lý Đông Phương cho rằng Thiên khí tả truyền: Dương khí đi từ bên phải (Càn dương) sang bên trái (Cấn, Chấn dương), Địa khí hữu truyền: Âm khí đi từ bên trái (Khôn âm) sang bên phải (Đoài, Tốn âm). Con người muốn sống cần phải thở (Càn phế, chủ khí), sau đó phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn (Khôn, tỳ vị). Con người khoẻ mạnh khi tâm (Ly) giao hoà với thận (Khảm), nếu tâm thận bất giao sẽ sinh tật bệnh, vị y tổ Việt Nam Lê Hữu Trác đã phát triển học thuyết này để chữa bệnh rất hiệu quả.

Kinh Dich di san sang tao cua Viet Nam

Con người siêu lý

b) Con người siêu lý: Theo trãi nghiệm của các hành giả Yoga hoặc Khí công, Thiền, thì cơ thể có bảy trung tâm năng lượng tác động chi phối sự sống của con người, gọi là bảy đại huyệt hay là bảy luân xa. Trung Thiên Đồ chính là biểu đồ hệ thống bảy luân xa đó, theo thứ tự từ dưới lên: luân xa 1 là Hoả xà Kundalinê chính là quẻ Ly hoả, Luân xa 2 là Mệnh môn quan chính là quẻ Khảm (thận thuỷ), Luân xa 3 là Đơn điền Ngũ Hành Sơn chính là quẻ Cấn sơn, Luân xa 4 là Luân xa tâm gồm hai quẻ Tốn (tâm âm) và Chấn (tâm dương), luân xa 5 là trung tâm Ấn đường chính là quẻ Đoài, luân xa 6 nằm ở chân mi tóc hay huyệt Thượng tinh mà Đạo giáo thường gọi là Kim mẫu chính là quẻ Khôn (Địa mẫu), Luân xa 7 là huyệt Thiên môn Bách hội chính là quẻ Càn Thiên.
Kinh Dich di san sang tao cua Viet Nam

Con người đạo lý

c) Con người đạo lý: Trung Thiên Đồ còn biểu đạt một mẫu người đạo lý tâm linh: quẻ Sơn Tượng cho tính người tham lam muốn tích luỹ như núi (Tham), quẻ Ly Hoả tượng cho người có tính sân như lửa (Sân), quẻ Khảm Thuỷ tượng cho người có tính si như nước đổ dồn về chỗ thấp (Si), ba thói xấu đó sẽ dẫn con người đến chỗ ác tượng trưng bằng quẻ Tốn (tâm âm, nhục tâm, vọng tâm), (như thuyết Tam Độc của Phật Giáo). Nhưng nếu con người biết phát triển tâm từ bi như tình yêu của mẹ tượng bằng quẻ Khôn (Địa Mẫu - Từ Bi), khiến tâm thanh tịnh an lạc tượng bằng quẻ Đoài (Vui, Hỉ), lúc nào cũng sẵn lòng cảm thông tha thứ cho người, tượng bằng quẻ Càn (Xả) thì con người sẽ đạt được cõi phúc, tượng bằng quẻ Chấn (Tâm dương, Chân tâm, Đạo tâm), (như thuyết Tứ vô lượng tâm của Phật giáo).

4) Phát hiện Trung Thiên Đồ trong truyền thuyết

Kinh Dịch có tám quẻ đơn: Càn còn gọi là Thiên có tượng là trời, là vua, là cha. Khôn còn gọi là Địa có tượng là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Khảm còn gọi là Thuỷ có tượng là nước, là cá (ngư). Ly còn gọi là Hoả có tượng là lửa. Cấn còn gọi là Sơn có tượng là núi. Đoài còn gọi là Trạch có tượng là đầm (hồ). Chấn còn gọi là Lôi có tượng là sấm, là con trai trưởng. Tốn còn gọi là Phong có tuợng là gió, là cây (mộc).

Khi tám quẻ đơn chồng lên nhau ta được 64 quẻ kép, nhưng khi tám quẻ đơn được đặt trên vòng tròn ta sẽ được ba thiên đồ căn bản: Tiên Thiên Đồ thường được người Trung Hoa gọi là Tiên Thiên Đồ Phục Hy vì cho là do Phục Hy chế ra, Hậu Thiên Đồ cũng được người Trung Hoa gọi là Hậu Thiên Đồ Văn Vương vì cho là do Văn Vương thiết lập, ở đây chúng tôi chỉ gọi là Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ vì đã chứng minh được Kinh Dịch do người Việt Nam sáng chế nên Phục Hy, Văn Vương chẳng can dự gì vào việc sáng tạo các thiên đồ. Dịch đồ thứ ba chính là Trung Thiên Đồ đã được tổ tiên Việt Nam cất giấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc "Con Rồng cháu Tiên", một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo Kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đỡ có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thuỷ phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần xương cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của xương cuồng. Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn - Đoài - Tốn - Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): (1, tr 30). Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thuỷ) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hoả). Truyền thuyết kể tiếp: "Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang". Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai của Trung Thiên Đồ: Ly - Cấn - Chấn - Khôn. Đến đây ta đã khai quật được Trung Thiên Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.

5) Vai trò Trung Thiên Đồ trong việc hình thành văn bản Kinh Dịch:

a) Bố cục Kinh Dịch: Kinh Dịch có 64 quẻ, 30 quẻ đầu thuộc về thượng kinh, 32 quẻ sau thuộc về hạ kinh. Nhìn vào cách sắp đặt vị trí các quẻ Dịch trong bản kinh văn thông hành ta không thể không nghĩ rằng các nhà làm Dịch đã sử dụng Trung Thiên Đồ như là la bàn để phân bố các quẻ. Mở đầu kinh văn là hai quẻ Càn số 1, Khôn số 2 đúng như vị trí Càn Khôn đứng bên nhau trên Trung Thiên Đồ, cuối thượng kinh là hai quẻ Khảm số 29 và Ly số 30 đúng như vị trí Khảm Ly dưới Trung Thiên Đồ. Mở đầu hạ kinh là hai quẻ Trạch Sơn Hàm số 31 và quẻ Lôi Phong Hằng số 32 đúng như vị trí quẻ Đoài Trạch đối qua tâm với quẻ Cấn Sơn tạo thành quẻ Trạch Sơn Hàm, quẻ Chấn Lôi đối qua tâm với quẻ Tốn Phong tạo thành quẻ Lôi Phong Hằng nằm giữa Trung Thiên Đồ. Cuối hạ kinh là hai quẻ Thuỷ Hoả Ký Tế số 63 và Hoả Thuỷ Vị Tế số 64 đúng như vị trí quẻ Khảm Thuỷ giao hoán với quẻ Ly Hoả tạo thành.

Khác hẳn với Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng đối nhau qua tâm, biểu hiện trạng thái phân ly, trên Trung Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng gần nhau từng đôi một biểu hiện trạng thái giao hội. Ở tự nhiên mọi vật có thể đối nghịch, vừa tương phản vừa tương thành. Nhưng ở con người thì khác, con người là một chỉnh thể, một thái cực, một toàn đồ âm dương phải tương hội điều hoà, nếu một bên thiên thắng con người sẽ bất ổn, phát sinh bệnh tật.

b) Đặt tên cho quẻ Dịch: Nhiều nhà chú giải Kinh Dịch Trung Quốc khi giải thích nghĩa chữ giao của hào thượng cửu quẻ Thiên Hoả Đồng nhân số 13 "Đồng nhân vu giao" thường chỉ dừng lại ở vấn đề chính trị xã hội nên hiểu giao theo một nghĩa rất hẹp, họ cho giao là vùng đất ngoại ô kinh thành nếu muốn đồng thì nên tìm người ở xa mà liên hiệp. Hiểu như vậy thì không sát nghĩa và không đúng với lập ý của người làm ra Kinh Dịch. Có lẽ vì người Trung Quốc trong tay không có la bàn Trung Thiên Đồ là đồ đã bị Tổ tiên người Việt Nam cất giấu rất kỹ không truyền ra ngoài nên không hiểu rằng giao tức là giao hội, khi hoả xà Kundalinê từ lâu cuộn mình ở đốt xương cùng có đủ điều kiện lên hợp nhất với thần Vishnou cư trú ở huyệt Thiên môn nghĩa là khi luân xa số 1 là quẻ Ly Hoả hoà nhập với luân xa số 7 là quẻ Càn Thiên là lúc con người đạt đến trạng thái toàn thức, hạnh phúc hoàn hảo nhất, con người đạt đến mức độ giao hội cùng vũ trụ, tha nhân, vì thế mới đặt tên cho quẻ này là Thiên Hoả Đồng nhân. Giao nằm ở hào thượng cửu (theo Dịch lý thuộc tài thiên), tức là ở mức độ đồng nhân cao nhất, mức độ hoà đồng siêu việt, Nếu hiểu giao như nghĩa các chữ Đông giao (ngoại ô phía đông), Nam giao (ngoại ô phía Nam) thì không phù hợp với cấu trúc quẻ Dịch, hiểu như vậy là mặc nhiên nhận giao thuộc về đất phải nằm ở hào hai, tài Địa. Cũng như quẻ Đồng Nhân, các Dịch học gia Trung Quốc cũng bị hạn chế khi hiểu quẻ Đại Hữu chỉ là sở hữu tài sản vật chất họ không ngờ rằng Đại Hữu là sở hữu tài sản tinh thần vĩ đại, quẻ này chính là ghi lại thành tựu một quá trình công phu trãi nghiệm của hành giả đã hợp nhất với vũ trụ, mà mỗi hào mô tả thành quả một chặng đường liên tục từ hạ đẳng công phu đến thượng đẳng công phu.

c) Đọc lại Kinh Dịch: Nhờ có Trung Thiên Đồ ta có thể đọc lại Kinh Dịch một cách chính xác hơn, điều này nghe có vẽ nghịch lý vì ta làm sao thông thạo ngôn ngữ Trung Hoa hơn người Trung Hoa được, nhưng vì ta có Trung Thiên Đồ là la bàn tổ tiên ta dựa vào đấy để viết các lời hào nên chúng ta có cách đọc thuận lợi hơn. Ở đây tôi chỉ xin dẫn ra một thí dụ để minh chứng. Kinh Dịch có ba quẻ nói đến Tây Nam, quẻ Giải: "Lợi Tây Nam", quẻ Kiển: "Lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc”, quẻ Khôn: "Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng”. Căn cứ vào Hậu Thiên Đồ, quẻ Khôn (đất) nằm ở hướng Tây Nam, quẻ Cấn (núi) nằm ở hướng Đông Bắc, Vương Bật, người thời Tam Quốc, trong Chu Dịch chú giải thích như sau: ”Tây Nam là đất bằng, Đông Bắc là núi non. Từ chỗ khó mà đi đến chỗ bằng, cho nên khó khăn sẽ hết, từ chỗ khó mà đi lên núi, thì sẽ cùng đường”, Khổng Dĩnh Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa viết: ”Tây Nam thuận vị là hướng bằng phẳng dễ đi, Đông Bắc hiểm vị là chỗ trắc trở khó khăn. Đường đi lắm trắc trở, tất cả đi đến chỗ bằng dễ đi thì khó khăn sẽ hết, trái lại nếu đi vào chỗ hiểm thì càng bế tắc cùng đường. Đi ở phải hợp lý vậy”, (3, tr 846).Trương Thiện Văn trong Từ điển Chu Dịch giải thích: ”Lợi cho việc đi về đất bằng Tây Nam, không lợi cho việc đi về phía núi non đông bắc. Tây nam tượng trưng cho đất bằng, Đông bắc tượng trưng cho núi non. Đây nói ở thời kiển nạn mọi hành động đều phải tránh khó khăn hiểm trở, phải hướng về phía bằng phẳng thì mới có thể vượt qua kiển nạn,vì vậy nói lợi tây nam, bất lợi đông bắc”, (3, tr 907). Nói chung lời giải thích của đa số Dịch gia Trung Quốc đều dựa vào vị trí các quẻ trên Hậu Thiên Đồ và đều cho núi là trở ngại, nhưng giải như vậy không thể khớp với Dịch lý, quẻ Kiển tức là quẻ Thuỷ Sơn Kiển, hình tượng nước ngập núi, trận đại hồng thuỷ. Vậy núi chỉ là trở ngại thứ yếu. Sự thật đối với người cổ đại núi tuy có khổ ải hơn nơi bằng phẳng nhưng không phải là trở ngại đáng kể. Đối với người cổ đại núi là nhà, hang hốc là nhà. Núi che chở cho họ, cung cấp thực phẩm, đùm bọc nuôi dưỡng họ. Nói cho cùng với tượng quẻ như vậy, người ta không lo về núi mà nỗi lo triền miên chính là nước. Suốt thời cổ đại, nhất là ở Việt nam, chiến tranh bất tận là chiến cuộc giữa NGƯỜI với NƯỚC. Con người khơi dòng lấy đất canh tác, đẩy lùi biển để giành đất sống. Khi con người thắng biển nghĩa là khi Sơn tinh thắng Thuỷ tinh, Kiển nạn được giải. Vấn đề lật ngược, quẻ Thuỷ Sơn Kiển lật thành quẻ Sơn Thuỷ Mông, Thoán từ ca ngợi chiến công thần thánh này là Lợi Trinh (thắng lợi bền chặc).

Ở Hậu Thiên Đồ cũng như ở Trung Thiên Đồ, quẻ Khôn cùng ở vị trí Tây Nam nhưng ở vị trí Đông Bắc thì quẻ của hai đồ hoàn toàn ngược nhau. Nếu Hậu Thiên Đồ là quẻ Cấn (núi) thì ở Trung Thiên Đồ lại là quẻ Khảm (nước). Ta thấy rõ muốn hiểu nghĩa lời hào của ba quẻ đó không thể dựa vào vị trí quẻ trên Hậu Thiên Đồ, vì không chính xác. Chỉ có thể dựa vào vị trí quẻ trên Trung Thiên Đồ mới làm sáng tỏ được nghĩa quẻ. Con người không ngại núi mà chỉ e sông, e biển. Câu lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc không phù hợp với thực tiển Trung Quốc vì con đường sống của họ luôn dịch chuyển từ Tây Bắc sang Đông Bắc, hành trình các kinh đô của các triều đại Trung Hoa thường đi từ núi ra biển:Tây An - Trường An - Lạc Dương - Khai Phong - Bắc Kinh. Đó là hành trình ngược với lời hào ba quẻ: Giải, Khôn, Kiển.

Trong khi đó lời hào ba quẻ trên lại hoàn toàn phù hợp với thực tiển Việt Nam. Đối với Việt Nam, Đông Bắc mới thực là bất lợi, đó là biển cả là cửa ngỏ cho phong kiến phương bắc xâm lược. Việt Nam chỉ có con đường sống là mở nước về phương Nam và Tây nam. Lịch sử Việt Nam đã chứng thực lời đó, đã hai lần chúng ta tiến về hướng Tây Nam, đợt đầu tiến về đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, đợt sau tiến về vựa lúa châu thổ sông Cửu Long. Lời hào trên vẫn còn là lời dự báo ứng nghiệm với Việt Nam ngày nay: Tây Nam đắc bằng khi gia nhập khối Đông Nam Á, con đường Tây nam đang ở thế thuận lợi.

6/ Kết luận:

Chúng ta còn nhiều chứng lý từ vật thể đến phi vật thể, từ ngôn ngữ đến văn bản, nhưng mấu chốt hơn hết để chứng minh Kinh Dịch do Tổ tiên người Việt Nam sáng tạo vẫn là vai trò của Trung Thiên Đồ. Khi một người muốn chứng minh một vật là sản phẩm do chính mình đúc ra thì ngườI đó phải trưng ra khuôn đúc, ở đây cũng vậy Trung Quốc không có Trung Thiên Đồ giống như không có khuôn đúc thì làm sao bảo rằng Trung Quốc đã sáng chế ra Kinh Dịch. Thật ra Trung Quốc chỉ có công phát huy Kinh Dịch nhờ đó Kinh Dịch mới có bộ mặt vĩ đại như ngày nay, cũng như họ đã làm rạng rỡ cho Thiền nhưng không ai có thể quên Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ. Đã đến lúc cái gì của César phải trả lại cho César. Khi chúng ta nhận ra rằng Kinh Dịch là di sản của Tổ tiên ta sáng tạo, ta sẽ hiểu được do đâu ta cũng cùng giải đất với các dân tộc vùng Hoa Nam, núi liền núi, sông liền sông mà họ bị đồng hoá còn chúng ta thì không. Kinh Dịch chính là cuốn Cổ văn hoá sử của Việt Nam mà Tổ tiên chúng ta còn lưu lại ngày nay, tuy có bị sửa đổi nhuận sắc nhiều lần nhưng những vết tích của nền văn minh thời các vua Hùng dựng nước vẫn còn đậm nét trong nhiều quẻ Dịch.

Người sáng tạo Kinh Dịch đã dựa vào Trung Thiên Đồ để bố cục vị trí các quẻ đúng như bản thông hành hiện đang phổ biến. Các Dịch học gia Trung Quốc căn cứ vào vị trí các quẻ theo Hậu Thiên Đồ nên có nhiều câu trong Kinh văn bị họ giảng sai với ý nguyên tác, muốn giảng cho đúng phải dựa vào Trung Thiên Đồ, không thể làm khác được.

Trung Thiên Đồ giữ một vị trí quan trọng và quyết định như vậy đã được Tổ tiên Việt Nam cất giấu rất kĩ trong truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ. Từ truyền thuyết này có thể tìm lại Trung Thiên Đồ. Trung Thiên Đồ còn được khắc ghi cẩn trọng trên Trống đồng Đông Sơn có điều kiện tác giả bài này sẽ công bố sau.

Chúng tôi còn nhiều minh chứng khác để kiện toàn chứng lý cho kỳ án này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Kinh Dịch chính là sáng tạo của Tổ tiên Việt Nam. Muốn hiểu đúng bản chất văn hoá Việt Nam không thể không khảo sát Kinh Dịch, như là sáng tạo của Việt Nam.

Sách tham khảo

* Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Văn học, Hà Nội, 1990.

* Nguyễn Hoàng Phương: Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, Giáo Dục, Hà Nội, 1995.

* Trương Thiện Văn: Từ Điển Chu Dịch, bản dịch, Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 1997.

* Nguyễn Thiếu Dũng: Một phát hiện mới về Kinh Dịch: Trung Thiên Đồ,Thông tin khoa học ĐH DL Duy Tân tháng 05/1999

* Nguyễn Thiếu Dũng: Con đường Tây Nam, Thông tin khoa học Đại Học DL Duy Tân, tháng11/1999.

* Nguyễn Thiếu Dũng: Chúng ta có một di sản hàng đầu thế giới Báo Lao Động, Trang miền Trung & Tây Nguyên số 32/99, ngày 13/12/1999.

* Nguyễn Thiếu Dũng: Văn Lang cội nguồn Kinh Dịch, Khoa học & phát triển số 67, năm 2000.

* Nguyễn Thiếu Dũng: Những con số ở vùng đất Tổ, Xưa & Nay,73b, tháng 03/2000.

* Hồ Trung Tú: Dịch học sáng tạo của người Việt cổ, Tia Sáng, Xuân Nhâm Ngọ 2000.

* Nguyễn Thiếu Dũng: Nhìn qua chữ số, Khoa học & phát triển số 74, tháng 3/01.

* Hà Văn Tấn: Theo dấu các văn hoá cổ, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1998.

Nguyễn Thiếu Dũng

Người Việt Nam tự tin hay tự ti?

Trên bục giảng, PGS.TS Phạm Đình Nghiệm hỏi: “Có em nào đã từng ước mơ mình đoạt giải Nobel không?” 136 thành viên của lớp học vẫn ngồi yên bất động và câu trả lời là sự lặng im. Tự hỏi, tại sao lại như vậy, phải chăng vì trong đầu ai cũng thấp thoáng một ý nghĩ “người Việt Nam mà mơ giải Nobel làm gì....”

Giờ quân sự, có bạn đặt ra câu hỏi: “Nếu Mỹ xâm lược Việt Nam một lần nữa thì liệu Việt Nam có thắng không?”. Mọi người phần đông ai cũng thở dài kèm theo cái lắc đầu chấp nhận thua cuộc. Tự hỏi, tại sao khi xưa cha ông ta từng bao lần khiến cho kẻ địch phải khiếp vía vậy mà giờ đây chúng ta- thế hệ con cháu lẽ ra phải dũng cảm hơn nữa thì lại có ý nghĩ như vậy?....

Hàng ngày bật yahoo, tớ vẫn nhận được những câu chuyện cười đại loại như:
“Mỹ phát minh ra cái máy gọt khoai to bằng cái tivi, thả 1 củ khoai tây ở đầu này thì đầu kia cho ra 1 củ khoai tây trắng nõn. Nga cười khẩy, phát minh ra cái máy gọt khoai tây bé bằng cái hộp, thả đầu này đầu kia cho ra 1 củ trắng nõn. Việt Nam phẩy tay bảo tầm thường rồi phát minh ra cái máy gọt khoai to bằng cái nhà. Đầu nay đổ 1 rổ khoai đầu kia cho ra 1 rổ trắng nõn. Ai cũng khen ngợi tuy tốn diện tích nhưng rất năng suất. Nga liền cho đổ 2 xe Benz khoai tây để xem thế nào. Vừa đổ xong thấy ở trong nhốn nháo: " Đổ lắm thế này lấy đâu chỗ ngồi gọt nữa."

Tớ vẫn cười khi đọc câu chuyện ấy nhưng cười xong chợt thấy đau thắt. Tự hỏi, tại sao chính chúng ta - những người Việt Nam lại tự hạ thấp mình đến thế nhỉ?
Câu nói của nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn khiến tớ chột dạ: “Cách hành xử và tâm thế của chúng ta dường như luôn mặc cảm Việt Nam giờ đây là một nước nhỏ. Không ít những phát biểu của các quan chức luôn khiến ta nghĩ rằng Tổ quốc của mình giống như những địa phương mong được xếp vào diện nghèo hay vùng xâu vùng xa của thế giới để được hưởng những ưu tiên được trợ giúp mà không thấy nỗi hèn nhục của một nước nghèo và lạc hậu…”
Có phải người Việt Nam chúng ta đã quá tự ti không nhỉ ???

Người Việt Nam tự ti hay tự tin?
Sẽ là giả dối nếu nói rằng người Việt chúng ta không tự ti. Vẫn còn đó lời phát biểu hùng hồn của ông Ngô Quang Kiệt - Tồng Giám mục Giáo phận Hà Nội trước bàn dân thiên hạ: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều và chúng tôi cảm thấy rất là nhục nhã khi cầm trên tay tấm hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam.”
Vẫn còn đó bài báo mang tên: “ 179 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapo” ( Báo tuổi trẻ số ra ngày 15/03/2006) vậy mà vẫn có người tỏ ra chẳng ngạc nhiên gì “em còn tưởng là 200 năm nữa ấy chứ!” (N.T.A.T- fbaclub.com).
Vẫn còn đó câu chuyện của một cô phóng viên đến săn vị quan chức ngành giáo dục và kiên quyết cho rằng nền giáo dục đào tạo nước nhà là quá kém, nhiều bất cập và làm thế nào để chúng ta không đào tạo ra những phế phẩm. Cô nhìn thấy ở nền giáo dục Việt nam là một vòi bạch tuột sản sinh ra đủ thứ khuyết tật và gây nguy hại cho nhiều thế hệ...
Vẫn còn đó những con số biết nói: 77% người Việt Nam sính hàng ngoại vì cho rằng hàng trong nước chất lương kémi, có khoảng 32.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Và còn nhiều điều khác nữa thể hiện cái tự ti của người Việt. Thế nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu khẳng định “ Người Việt Nam tự ti” vì đâu đó vẫn còn những người luôn tự hào mang trên mình dòng giống Lạc Hồng.
Một câu chuyện từ ông giám đốc quỹ nhi đồng Mỹ: Ổng thăm Việt Nam, rồi thăm Bangladesh. Và ông ấy nói rằng làng quê nghèo nhất của Việt Nam cũng nghèo như làng quê nghèo nhất của Bangladesh hay nhiều nước khác trên thế giới, thế nhưng điều quan trọng nhất là ông ấy không thấy thương hại đám trẻ con Việt Nam ở làng quê ấy. Đơn giản bởi vì: “ Tôi thấy được sự cầu tiến của người Việt và sự năng động của đám trẻ ấy. Đám con nít ấy chắc chắn không chịu an phận và cam chịu số phận.”
Và AM thực sự cảm động khi đọc được những dòng chia sẻ đầy cảm động của chị uatkimhuong tren 4rum caohockinhte.info:
Dù đất nước còn khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, tôi vẫn tự hào là người Việt Nam. Tôi tự hào vì tôi có đủ kiến thức để nhận biết rằng Việt Nam là một trong những nước có phong cảnh cực đẹp. Tôi tự hào vì nền văn hóa Việt nam có những bản sắc riêng không lẫn lộn với bất kì ai trên thế giới. Tôi tự hào là người Việt Nam giống như tôi tự hào là tôi. Dù tôi có xấu, có khuyết điểm nhưng tôi vẫn là tôi không phải là người khác.Tôi bất bình với những ai nói rằng họ xấu hổ là người Việt Nam. Có thể cha mẹ bạn nghèo vậy bạn phải chứng minh cho họ thấy rằng dù nghèo nhưng cha mẹ bạn vẫn là một người đàng hoàng. Có thể đất nước ta đang nhiễu nhương, chế độ lằng nhằng gây ra nhiều oan trái của người dân. Thì bạn hãy đứng lên góp tiếng nói chung để thay đổi quốc nạn đang hoành hành. Có thể đất nước ta nghèo đói vậy bạn hãy nhường cơm sẻ áo giúp đỡ những cong người cùng cực ấy. Thì bạn vẫn có thể ngẩng cao đầu với những người bạn quốc tế. Họ làm sao tôn trọng bạn, nếu chính bạn khinh bỉ nguồn gốc của mình? Nếu họ ko tôn trọng bạn, bạn chấp nhận cúi đầu thay vì thể hiện với họ rằng họ đã sai lầm ư? Nếu bạn thấy xấu hổ vì cha mẹ nghèo mà chối bỏ sự thật rằng đó là người sinh ra bạn, vậy bạn nên thấy nhục nhã đi vì bạn không dám làm một con người chân chính. Tôi tự hào vì là người Việt Nam.
Và nói như nhà báo Thiên Lương : " Chúng ta không ngủ quên, cũng không quá tự tin một cách lố bịch. Chúng ta không hão huyền với những gì đã đạt được. Cũng không phủ nhận những tiến bộ còn khiêm tốn của thang bậc Việt Nam với quốc tế. Nhưng chúng ta cũng không nên nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt màu xám. Không ảo tưởng nhưng cũng chẳng việc gì phải tự ti. Bởi chúng ta cần là những người bước đi chứ không phải ngồi lại và sợ hãi...”

Người Việt Nam tự ti hay tự tin?Đất nước ta còn nghèo, dân tộc tộc ta còn nhiều mặt yếu kém, đó là sự thật không thể phủ nhận. Song , không phải vì thế mà chúng ta luôn mang tâm lý tự ti, mặc cảm khi ra trước bạn bè thế giới. Những gì đáng tự hào thì phải tự hào, những gì còn hạn chế thì cần nhìn nhận để khắc phục và tìm cách sửa chữa. Xin dẫn ra ba câu chuyện nhỏ mà Ớt đọc được thay cho lời kết :
Câu chuyện thứ nhất:
Có hai nhà tiếp thị của công ty sản xuất giày cùng đến một hòn đảo.
- Người thứ nhất điện về: "Tuyệt vọng, ở đây chả ai đi giày".
- Người thứ hai phấn khởi điện về: "Sáng sủa vô cùng, ai cũng muốn mua giày mà chưa có để mua".
-->Bài học rút ra là: Cùng một sự kiện, cùng một vấn đề nhưng nếu cách nhìn khác nhau là sẽ khác nhau.Cách nhìn ảnh hưởng đến hành động của chúng ta một cách vô cùng sâu sắc. Hãy nhìn về Việt Nam như cách nhìn của người thứ hai.
Câu chuyện thứ hai:
Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất nếu không nó sẽ bị ăn thịt.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải là việc bạn là Sư Tử hay Linh Dương mà:
“Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy"
-->Bài học rút ra là: Điều quan trọng không phải là Việt Nam đang đứng ở vị thế nào của thế giới, đang thấp kém như thế nào so với các nước khác trên thế giới mà điều quan trọng là mỗi con người Việt Nam phải không ngừng phấn đấu, không ngừng hành động để đưa Việt Nam đi lên.
Câu chuyện thứ ba:
Có một chàng trai đang cầm trên tay mình một con chim nhỏ. Thấy một bà lão đi qua, anh ta liền hỏi:
- “Bà có thể đoán ra tôi sẽ làm gì tiếp theo với chú chim nhỏ này không?”
- Bà lão đáp: “Tôi không thể đoán ra được anh sẽ làm gì với chú chim nhỏ này, tôi chỉ biết rằng nó đang ở trong tay anh, và anh muốn làm gì là chuyện của anh”
-->Bài học rút ra là: Đừng đổ lỗi cho ai, cũng đừng quy trách nhiệm cho bất cứ ai về sự yếu kém của đất nước mà hãy tự mình quyết định tương lai của đất nước bởi lẽ vận mệnh đất nước đang nằm trong tay mỗi chúng ta.
Và xin trích lại câu trả lời của thầy giáo khi được hỏi Việt Nam sẽ thắng hay thua nếu Mỹ quay lại xâm lược: “Nếu các em bảo Việt Nam thắng thì Việt Nam sẽ thắng, nếu các em bảo Việt Nam thua thì Việt Nam sẽ thua vì tương lai Việt Nam nằm trong tay các em.
(Suu tam)

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Quý ông Humphrey lại đấu tranh

"Công chúng không biết một chút gì về cách lãng phí tiền của chính phủ, chúng tôi rất biết cách lãng phí" - Quý ông Sir Humphrey Appleby, Thư ký thường trực Vụ quản lý hành chính, phát biểu tại cuộc điểu trần trước Bộ trưởng.

Như vậy là lại một lần nữa cuộc sống giống như một vở hài kịch khi báo chí Anh đưa tin 141,000 những vị đầy tớ tối cao của nhân dân đã tiêu tốn hơn 1 tỷ Bảng Anh (khoảng 1,5 tỷ Đô-la Mỹ) từ nguồn thuế của nhân dân năm ngoái. Theo báo cáo đưa ra bởi tờ Daily Telegraph và tờ Daily Mail, con số này đã gấp 4 lần con số năm 2002 dùng để chi tiêu cho những thứ như rượu, những bữa ăn, đồ chơi và chi phí đi lại.

Về phía chính phủ, như là để trả lời với các cơ quan thông tấn báo chí, các vị "đầy tớ của nhân dân" đã tranh cãi rằng, những khoản chi tiêu kia là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Thêm vào đó, việc để người quản lý cắt tiền chi tiêu thẳng vào ngân sách nhà nước thay vì tự bỏ tiền túi ra chi tiêu trước rồi yêu cầu chính phủ thanh toán lại đã tiết kiệm được cho những người phải trả thuế hàng năm một khoản tiền đáng kể và cũng ít người nhận thấy được điều này. Đó là hàng loạt những thứ logic mà Ngài Humphrey đã rất tự hào về những khoản chi tiêu của chính phủ.

Vào tháng 2 vừa qua, báo chí loan tin rằng khoảng tiền 1 triệu bảng chi tiêu không minh bạch của chính phủ trong khoảng thời gian giữa năm 2004 và 2009 có vẻ như đã là một khoản chi tiêu tằn tiện, không quá mức, ít nhất là so với tiêu chuẩn của Mỹ. Nhưng những chính trị gia của Mỹ luôn đối mặt với rủi ro bị cử tri sa thải, vì vậy không nghi ngờ gì về những hoạt động của họ chịu những hạn chế nhất định. Trong khi đó, 497.000 vị đầy tớ của nhân dân ở Anh lại làm việc mà không có những hạn chế như vậy.

Do đó, đó là những khoản chi tiêu đúng đắn. Những cuộc tái thiết được tư duy cẩn thận về những dịch vụ công cộng tự quyết đã đúc kết lại rằng, cả vấn nạn lẫn cách xử lý sẽ được nêu ra trong báo cáo vào tháng 12 để đem khoản thâm hụt ngân sách tương đương 12% GDP này ra bàn luận. Điều này đòi hỏi những khu vực chi tiêu công thay đổi toàn diện từ chỗ không được quản lý, quan liêu, độc quyền, bí mật tới chỗ được quản lý, phải cạnh tranh (đối với những ngành có thể cạnh tranh được) và công khai, minh bạch. Hiện tại, người ta trông đợi những lời hiệu triệu nghiêm chỉnh trước bầu cừ từ cả phía Đảng lao động lẫn Đảng bảo thù về
một cuộc đại tu toàn mang tính toàn diện.

Chúng tôi muốn nói rằng: Chúc may mắn. Vì quý ngài Humphrey không bao giờ biết mệt mỏi để nhắn nhủ với Bộ trưởng Jim Hacker rằng, "Nếu mọi người không biết Bộ trưởng đang làm gì, họ sẽ chẳng thể biết được Bộ trưởng có làm gì sai hay không."

Theo Wall Street Journal, bài "Sir Humphrey Strikes again", ngày 15 tháng 4 năm 2010

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Sau đồng Đô-la, thế giới cần một kiến trúc sư tiền tệ mới

Sau đồng Đô-la

Hỏi liệu những vấn đề nhức nhối hiện tại của Hy Lạp có là cầu nối giữa tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 với một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu sắp diễn ra? Hệ thống tiền tệ thế giới đã được định hình vào giữa những năm 40 ngay sau thế chiến thứ hai và được tái định đầu những năm 70 sau cú sốc về giá dầu lần thứ nhất. Trong cả hai lần, sự xáo trộn kinh tế toàn cầu đều khiến cho hệ thống tiền tệ bị đảo lộn. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chính sách thả nổi đồng tiền hiện nay cùng với những giao dịch và dự trữ dựa trên đồng Đô-la có xóa bỏ được những vết ố của việc điều chỉnh kinh tế toàn cầu phía trước. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải xem xét đến những khả năng khác.
Trong một báo cáo được phát hành bởi Chatham House ngày hôm nay, chúng tôi tranh luận rằng chính sự phân chia không rành mạch và sự tiềm ẩn những giá trị phân chia không công bằng của những khoản chi tiêu bắt buộc nằm dưới hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tiền tệ và chủ nghĩa bảo hộ khi các quốc gia đang ra sức bảo đảm cho việc phục hồi kinh tế của mình. Hệ thống thương mại thế giới đã cho thấy một khả năng phục hồi nhanh bất thường trong và sau khủng hoảng như là một nền tảng được WTO xây dựng lên trong suốt mấy thập kỷ qua mà nó đã tạo ra một hàng rào bảo vệ hiệu quả để chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Thế nhưng hệ thống này lại thiếu một nền tảng về thể chế và vì thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Hệ thống tiền tệ hiện tại cũng không phù hợp để thích ứng với những thử thách mới đặt ra khi nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển về Châu Á. Con đường mà những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang theo đuổi chứa đựng những hạt mầm của những bất đồng mà nó có thể thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng kế tiếp. Ở Mỹ, việc ưu tiên yếu tố nội để tiêu dùng và phát triển ám chỉ một chính sách khơi mào cho sự quan liêu liên quan đến đồng đô-la mà, nhìn chung, sẽ làm cho đồng đô-la suy yếu. Sự mạnh lên của đồng đô-la hiện tại đang ngầm phán ánh một lập trường của thế giới có phần ác cảm đối với đồng đô-la. Trong khi đó, Trung Quốc- nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng là người nắm giữ nhiều đồng Đô-la nhất đang liều lĩnh dưới sức ép của lạm phát bằng cách giữ đồng tiền của mình ràng buộc chặt vào đồng Đô-la và quốc gia này, do lo e sợ sự thiếu tính bền vững và mất giá trị dự trữ ngoại tệ của đồng Đô-la, đã nới lỏng sự ràng buộc đó.
Đến lượt mình, chính phủ của những quốc gia thuộc khu vực đồng tiền Euro lại đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự bình ổn trong nội bộ khối khi một vài nước thành viên đang phải đối mặt với những khó khăn về thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục mà không thể thoát khỏi một cuộc suy thoái khi buộc phải có những điều chỉnh đau đớn dưới khuôn khổ của những nguyên tắc điều chỉnh thị trường đồng Euro. Ở những nước có nền kinh tế lớn hơn và những nền kinh tế mới hội nhập, sự phụ thuộc quá mức vào đồng Đô-la trong cả giao dịch và dự trữ ngày càng trở nên ảm đạm. Vì thế không ngạc nhiên khi Trung Quốc với 2 tỷ tỷ Đô-la dự trữ đang lo ngại về sự mong manh của hệ thống tiền tệ và không ngạc nhiên khi OPEC đang tìm cách khác để định giá dầu lửa.
Trong khi lý do căn bản là thế thì bất cứ cuộc trốn chạy đột ngột nào khỏi đồng Đô-la đều mang trong mình những rủi ro lớn của việc phá vỡ và sụp đổ của những dòng chảy thương mại và chứng khoán. Vì thế hệ thống tiền tệ bị khóa trong một khung vững chãi của sự bất cân bằng nơi mà “giữ nguyên trạng” là lựa chọn ít rủi ro nhất cho hầu hết những người trong cuộc trong một thời gian ngắn.
Xét về dài hơi, chúng tôi tin tưởng rằng, chế độ đa tiền tệ là chế độ tốt nhất để có thể ủng hộ một nền kinh tế đa cực được khỏe mạnh và mềm dẻo. Chúng tôi cũng không chủ trương hay kỳ vọng vào sự chuyển đổi đột ngột nào nhằm thoát khỏi đồng Đô-la như là đồng tiền chính trong giao thương và dự trữ quốc tế. Nhưng chúng tôi muốn đề xuất một quá trình chuyển đổi trong đó quỹ tiền tệ thế giới IMF hỗ trợ việc phát triển rộng rãi việc sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt SDR, cả hai đồng tiền này (đồng Đô-la và đồng SDR) như là một nguồn thay thế cho các quốc gia với mục đích dự trữ cũng như trao đổi hàng hóa như dầu lửa và khí đốt.
Bởi vì đồng SDR được định nghĩa một cách rõ ràng bằng rổ ngoại tệ bao gồm những đồng tiền mạnh được sử dụng phổ biến trong tài chính và thương mại trên thế giới – đồng Đô-la, đồng Euro, đồng Yên Nhật, đồng bảng Anh – nên việc sử dụng những đồng tiền này trong việc định giá dầu thô và dự trữ sẽ ngăn chặn được những tác động của việc dịch chuyển những đồng tiền chính. Đồng SDR sẽ được định giá lại 5 năm 1 lần và có thể là rổ tiền tệ sẽ có thêm đồng Rê-an Braxin trước năm 2015 và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc trước năm 2020. Với tư cách là một thể chế độc lập, IMF có một vị thế phù hợp để nhìn tổng thể quá trình này và cung cấp một hệ thống thanh toán và những tài khoản con để tạo điều kiện cho đồng SDR dễ tiếp cận, an toàn khi sử dụng và có thể sử dụng không phải với mục đích công. Chúng tôi cũng chủ trương tăng cường sự giám sát và minh bạch hóa những chính sách của quỹ IMF.
Có một mâu thuẫn căn bản trong quá trình chuyển dịch về một nền kinh tế thế giới đa cực và sự xuất hiện của những đồng tiền làm bá chủ thế giới. Nếu điều này không được giải quyết thì khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ có thể cho cả thế giới thấy một sự chấn động mạnh không kém gì những trận động đất đang tới gần. Không có những quốc gia nào có thể nổi lên và làm bá chủ như Mỹ đã làm được sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là phải ngừng ngay việc tìm kiếm một hệ thống tiền tệ thế giới mới cho phép các quốc gia đi cùng chiều với thặng dư và thâm hụt tích lũy có được lãi ròng trong khi vẫn chịu được những áp lực thuộc về năng lực và hệ thống đối với cán cân thương mại cân bằng hơn. Đây chính là điểm mà hệ thống tiền tệ dựa vào đồng Đô-la không thể làm được và cũng chính là điểm thúc đẩy để đàm luận trong hội nghị thượng đỉnh G-20.
Theo The Wall Street Jounal, bài “After the Dollar”, ngày 19-21 tháng 3, 2010.

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Tiếng Anh của tôi

Nhân chuyện đọc được một số bài báo nói về kinh nghiệm học ngoại ngữ, tôi có một vài điều ngẫm ra về chuyện học ngôn ngữ của mình sau một thời gian 2,5 năm sống và học tập tại Châu Âu trong một môi trường nói tiếng Anh gần như hoàn toàn.

Một ngày nắng đẹp, ngồi trong căn tin của trường, tôi nói chuyện với một anh bạn người Anh. Cuộc nói chuyện cởi mở xung quanh việc nói và viết tiếng Anh. Anh bạn Alexer há hốc mồm khi nghe tôi kể chuyện học tiếng Anh lấy chứng chỉ A, B, C của Việt Nam. Như để động viên tôi, anh này nói thêm rằng, mình chưa bao giờ viết một bài báo cáo hay tiểu luận nào bằng tiếng Anh cả. “Ảnh” nói sau khi đọc cuốn tiểu luận dài khoảng 30 trang của tôi rằng, tôi thấy bạn viết tiếng Anh còn hay hơn cả tôi. Hình như cảm giác này của anh giống như cảm giác của tôi sau khi đọc blog “tớ là Dâu” thì phải. Mặc cho lời nói của ảnh có thành thực hay không, mũi tôi cũng phổng lên một cách đáng nể khi một người Anh bảo rằng: tiếng Anh của tôi hay hơn của họ. Phải chi tôi nghe câu này lúc tôi còn bé thì tôi cũng cố gắng tin là tiếng Anh của mình giỏi lắm. Nhưng lớn mất rồi.

Ngày bé tôi nghĩ rằng, khi nào mình ngủ mơ cũng nói tiếng Anh trong giấc mộng, khi đó mình sẽ giỏi tiếng Anh như người Anh. Thật ra, đó là một suy nghĩ sai lầm với đầy đủ tính dễ thương của nó. Cách đây không lâu, tôi đã nhiều lần mơ bằng tiếng Anh, trong giấc mơ tôi đã tranh cãi kịch liệt điều gì đó với mấy bạn người Pakistan hay Oman (chẳng hiểu sao tôi rất hay mơ về họ, nhất là khi nào tranh cãi về đề tài diễn ra nảy lửa lúc chiều hay trước đó), lúc đó tôi đã nghĩ “I am there, now”. Nhưng thực ra không phải vậy, tiếng Anh của tôi tuy không lủng củng bằng dạo trước nhưng còn xa mới bằng được người Anh hay ít nhất là còn xa so với tiếng Việt của tôi.

Một sai lầm nữa của tôi khi nghĩ rằng, tôi sẽ không bao giờ quên tiếng Việt. Hẳn nhiều người sống ở Việt Nam và giỏi nhiều ngoại ngữ khác cũng sẽ có cùng suy nghĩ rằng, tiếng Việt không thể nào có thể quên. Họ và tôi đã lầm. Tiếng Việt hoàn toàn có thể quên. Mới có 2,5 năm không nói tiếng Việt thường xuyên, tôi đã bắt đầu viết sai chính tả nhiều và đã phải nhiều lần nhờ đến sự trợ giúp của bác “Lạc Việt”. Gọi điện thoại hay nói chuyện với gia đình thì nhiều lúc phải ngẩn ra mới nhớ được từ hay phải dùng nhiều từ khác để mô tả như “anh trai của vợ gọi là gì?”… “anh rể!” – À đúng rồi, “anh rể”. Tôi nghĩ, đó không phải là hiện tượng quên hoàn toàn mà là hiện tượng quên tạm thời khi tiếng mẹ đẻ không được sử dụng nhiều. Tuy vậy, nếu quan sát những du học sinh rời khỏi Việt Nam ngay từ lúc mới là học sinh phổ thông, việc quên tiếng Việt xảy ra rất nhiều và họ sẽ viết blog với nhiều lỗi sai văn phạm, sai chính tả thường thấy.

Hiện tại, tôi đang học tiếng Hà Lan. Cô giáo vào lớp với những bài giảng vô cùng thực tế. Cô giáo dạy tiếng Hà Lan bằng chính tiếng Hà Lan và nội dung được thiết kế không phải là những áng văn chương tuyệt tác, không phải là mô tả xem cây chà là lớn lên như thế nào, không phải là tường thuật lại một trận đánh hào hùng của hoàng đế Napoleon vĩ đại… Bài giảng là cách đi metro và những phương tiện giao thông công cộng thế nào, ở trong lớp cần biết những câu như “tôi không hiểu”, “cái này nghĩa là gì”, “làm ơn nói chậm lại”, từ nào cần biết để đi siêu thị, từ nào cần biết để hỏi đường… Tiếng Hà Lan thuộc dòng ngôn ngữ “giéc-măng” nên rất khó. Thế mà chỉ trong chưa đầy 2 tháng, từ chỗ tôi không nói một câu tiếng Hà Lan, nay tôi đã có thể hiểu được rất nhiều từ khi mua sắm, rất nhiều câu khi hỏi giờ tàu, hỏi đường xá…

Điều đáng nói là ở đây ai cũng nói được tiếng Hà Lan và tiếng Pháp như là tiếng bản địa. Nếu theo cách làm của Việt Nam thì có thể suy ra, ai cũng có thể dạy được tiếng Hà Lan và tiếng Pháp. Nhưng không, cô giáo của tôi có một kỹ năng giải thích thật kỳ diệu, cô ấy cần phải tốt nghiệp đại học về ngành linguistics mới có thể phát âm và diễn giải. Một điều thú vị là ngay cả một nước nhỏ như nước Bỉ, từng vùng khác nhau đã có phương ngữ khác nhau. Sau này chúng tôi sẽ được học một bài về dialects; cô giáo bảo, cố gắng hiểu nó nhưng đừng sử dụng nó.

Nói tản mạn vậy thôi. Tôi tự nhủ với mình, ngôn ngữ nào không dùng đến thì đều có thể quên bất kể là ngoại ngữ hay tiếng mẹ đẻ. Là một nghiên cứu sinh ngành Kinh tế ứng dụng, tôi có nghĩa vụ phải đọc báo từng ngày. Tôi chọn tờ “The Wall Street Journal” mà Nhà trường phát. Tự hứa một tuần 3 buổi sẽ dịch một bài báo sang tiếng Việt; trước là để luyện tiếng Anh, sau là để không quên tiếng Việt.

Rồi bạn sẽ thấy, ngày mai blog mình sẽ có mục “Dịch báo dùm bạn”.
Nhân chuyện đọc được một số bài báo nói về kinh nghiệm học ngoại ngữ, tôi có một vài điều ngẫm ra về chuyện học ngôn ngữ của mình sau một thời gian 2,5 năm sống và học tập tại Châu Âu trong một môi trường nói tiếng Anh gần như hoàn toàn.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Meo vat chua benh.

1. Gừng tươi hay khô đều có vị cay, thơm, tính ấm, tác dụng làm ấm bụng, cầm nôn mửa, tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa. Lấy củ gừng để cả vỏ, lùi hoặc nướng cho cháy vỏ ngoài, đập giập, cho vào nước nấu uống vài lần trong ngày. Nếu cảm thấy hơi đầy bụng, khó tiêu, lấy gừng chấm muối ăn mấy miếng sẽ khỏi. Gừng còn có tác dụng giải độc khi ăn nhiều cua, cá...

2. Hạt ngò, khoảng nửa muỗng cà phê hạt ngò khô sao vàng cho thơm, cho vào nước nóng hãm lấy nước uống. Có thể giã 100 gam hạt ngò ngâm trong một lít rượu nếp để dành sẵn trong nhà, sau 15 ngày có thể dùng được. Người hay bị lạnh bụng, không tiêu, nôn mửa, uống 1-2 muỗng cà phê vài lần trong ngày sẽ khỏi.

3. Trần bì (vỏ quýt khô), lấy vài miếng vỏ quýt xé nhỏ, cho vào cốc nước sôi, hãm trong 5 phút, uống lúc nóng, trị đầy bụng, khó tiêu.

4. Hạt tiêu, khi bị thổ tả, ăn không tiêu, lấy 2-4 gam hãm nước sôi, uống lúc nóng.

5. Cồn bạc hà, rất hữu ích trong trường hợp đầy bụng không tiêu, mỗi lần 20 giọt, uống với nước ấm.

6. Củ riềng, lấy 10 gam, sắc chung với một quả táo, lấy khoảng 100ml chia 2-3 lần uống trong ngày chữa đau bụng không tiêu, nôn mửa.

7. Vỏ hạt cau khô 6-12 gam, sắc lấy nước uống chữa tiêu chảy, bụng đầy trướng do ăn uống không tiêu.

8. Sả vừa giúp tiêu thực vừa giải độc rượu rất tốt. Lấy một bó sả gồm 3-5 tép, cắt nhỏ đun sôi lấy nước uống ngay lúc ấm, nếu dùng tinh dầu 3-6 giọt pha trong cốc nước ấm, uống ngay. Người đang say rượu uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh táo và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.

9. Lấy 20 gam hạt đậu ván trắng, giã nát, hòa nước nóng hoặc sắc rồi uống, chữa ngộ độc rượu, đau bụng, nôn mửa.

10. Nếu say rượu kèm đau đầu, lấy 50 gam rau cần tươi, giã nhuyễn vắt lấy nước uống.

11. Lấy ba lát gừng tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước, hòa thêm 50ml giấm ăn và ít đường, uống giúp giải độc rượu.

12. Pha cà phê đậm hoặc trà thật đậm chừng 100ml, không đường, không đá, uống từng chút một cho thấm sẽ giúp giải độc rượu.

13. Uống một ly nước ép cam tươi, chanh tươi hoặc lê, táo sẽ giúp tỉnh táo sau uống rượu.

14. Khi muốn nôn, loại bỏ rượu khỏi dạ dày, có thể uống một cốc nước nóng có thêm một nhúm muối, dạ dày sẽ phản ứng co thắt mạnh và giải phóng rượu ra ngoài.

Suu tam

Danh sách Blog của Tôi